Sức khoẻ là gì?

Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế
Đối với mỗi người thì sức khỏe được xem là vốn quý nhất, vì có sức khỏe thì mọi người có thể làm ra tất cả, hay nói cách khác sức khỏe là nền tàng của sự hành phúc, và đây được xem là nhân tố để phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước. Trong đó có những người sinh ra đã không được may nắm vì đã bị hậu quả của chiến tranh để lại khiến họ bị ảnh hưởng rất nhiều về sức khỏe và khả năng tự chăm óc bản thân mình đó chính là những người khuyết tật thì họ thuộc một bộ phận không hề nhỏ của dân số thế giới nói chung và dân số nước Việt Nam nói riêng.
Sức khỏe và giá trị của sức khỏe

Sức khỏe có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo quan điểm chung, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng nguồn nhân lực. Một quốc gia không thể phát triển nếu người dân không có sức khỏe, không được học hành với những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Sức khỏe quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia và là một trong những quyền lợi cơ bản nhất của con người. Do vậy, sức khỏe cần phải được nhìn nhận như tài sản của con người và xã hội, hơn bất cứ của cải vật chất nào. Nhưng sức khỏe là gì, thì nhân loại từng có một thời gian dài chưa thống nhất về quan niệm. Sức khỏe là yếu tố quan trọng đối với sự sống, vì thế không có gì ngạc nhiên khi hầu hết mọi xã hội trên thế giới đều nêu định nghĩa về sức khỏe dưới nhiều góc độ khác nhau như y học, xã hội học, kinh tế học, kinh tế chính trị.

uan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức khỏe: Kế thừa và phát huy những tư tưởng truyền thống của dân tộc ta về sức khỏe, kết hợp với quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về phát triển con người toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về sức khỏe rất giản dị và dễ hiểu nhưng lại chứa đựng cả một nội dung rộng lớn, nêu bật bản chất của vấn đề “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Quan niệm về sức khỏe của Người trước hết là sự thống nhất giữa hai yếu tố: thể chất và tinh thần, mang tính khái quát cao và rất hàm súc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh:

Một là, người khỏe mạnh không chỉ có cơ thể cường tráng mà còn có tinh thần thoải mái, lành mạnh. Ngược lại, tinh thần có lành mạnh thì cơ thể mới khỏe khoắn. Là người rất thực tiễn và duy vật, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao yếu tố tinh thần, ý chí. Trong thời kì lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và khó khăn chống thực dân pháp xâm lược, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ý thức một cách sâu sắc rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”; “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Hai là, sức khỏe gắn liền với cuộc sống lao động, gắn với nếp sống đẹp. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan niệm sức khỏe của con người không chỉ là ăn, ngủ, sinh hoạt,… mà còn gắn liền với nếp sống đẹp, yêu lao động, là sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, hướng tới thực tiễn sản xuất lao động. Theo Người: “tự cung thanh đạm”- sinh hoạt vật chất vừa và đủ; “tinh thần sảng”- trạng thái tinh thần thanh thản, sáng suốt; “tố sự thung dung”- hướng tới lao động hữu ích - để hưởng cuộc sống lâu dài.

Ba là, sức khỏe cá nhân gắn liền với sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của mỗi người dân, đến sức khỏe của toàn dân tộc. Theo Người: “Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh,…dân cường thì quốc thịnh”.

Cách đặt vấn đề và quan niệm về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa phương pháp luận cho chỉ đạo hoạt động thực tiễn có liên quan đến con người. Khi sức khỏe đã bao hàm cả về thể chất lẫn tinh thần thì sự chăm lo đến con người nói chung và sức khỏe nói riêng phải kết hợp cả những biện pháp vật chất và tinh thần.

Quan niệm sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Có rất nhiều quan niệm về sức khỏe, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở khái niệm của WHO: “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật” và được khẳng định tại Điểm 1, Bản Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978. Như vậy, sức khỏe gồm ba thành tố: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe xã hội. Chỉ có thể hiểu khái niệm sức khỏe, khi và chỉ khi lĩnh hội được đầy đủ các thành tố trên.

Sức khỏe thể chất: Sức khoẻ thể chất được thể hiện một cách tổng quát, đó là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái, càng chứng tỏ là người khỏe mạnh. Cơ sở của sự sảng khoái, thoải mái thể chất thể hiện ở: Sức lực (khả năng hoạt động cơ bắp mạnh); sự nhanh nhẹn (khả năng phản ứng nhanh); sự dẻo dai (làm việc hoặc hoạt động chân tay tương đối lâu và liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi); khả năng chống đỡ được các yếu tố gây bệnh; khả năng chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như chịu nóng, lạnh, hay sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Sức khoẻ tinh thần: Sức khoẻ tinh thần là sự thỏa mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Nó được thể hiện ở sự sảng khoái, ở cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản; ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh. Có thể nói, sức khoẻ tinh thần là nguồn lực để sống khoẻ mạnh, là nền tảng cho chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả với mọi thử thách, nguy cơ trong cuộc sống. Sức khoẻ tinh thần chính là sự biểu hiện nếp sống lành mạnh, văn minh và có đạo đức. Cơ sở của sức khoẻ tinh thần là sự thăng bằng và hài hòa trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm.

Sức khoẻ xã hội: Sự hòa nhập của cá nhân với cộng đồng được gọi là sức khoẻ xã hội. Sức khoẻ xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa thành viên: gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, nơi công cộng, cơ quan... Cơ sở của sức khoẻ xã hội là sự thăng bằng, là việc giải quyết hài hòa giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hòa nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

Những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe

Sức khỏe chịu tác động tổng hợp của các yếu tố thiên nhiên (vật lý, hóa học…), sinh học và kinh tế, xã hội… Sự thay đổi của môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường xã hội, gây ra những tác hại xấu lên tâm lý, tình cảm của con người và là nguyên nhân gây ra những bệnh lý. Đó là những yếu tố được coi có tính quyết định đến sức khỏe con người.

Các yếu tố về di truyền: Các yếu tố sinh học quyết định cấu trúc cơ thể và các hoạt động chức năng của cơ thể. Gần đây, khoa học đã chứng minh khi có sự biến đổi bất thường trong cấu trúc của những đoạn gen nào đó có thể gây ra những bệnh tật tương ứng. Hiện nay, y học đã có thể sử dụng bản đồ gen làm công cụ chẩn đoán một số bệnh như: thiếu máu do hồng cầu hình liềm, bệnh xơ nang tụy, bệnh đái tháo đường (đây là những bệnh có thể gây hậu quả xấu cho thế hệ sau)… Phần lớn các yếu tố gen thường không thể thay đổi được và đến nay, y học mới chỉ có thể can thiệp được ở mức hạn chế.

Yếu tố môi trường: Yếu tố môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định tình trạng sức khỏe của bất cứ một cộng đồng nào. Thuật ngữ môi trường ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm: môi trường xã hội, tổ chức xã hội, các nguồn lực… Môi trường tự nhiên như: nhiệt độ, ánh sáng, không khí, đất nước, thiên tai, thảm họa. Môi trường sống, làm việc: tình trạng khó khăn về nhà ở, nơi làm việc, trong gia đình và cộng đồng dễ dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đường sá xuống cấp; lụt lội, bão, động đất, các thiên tai khác có thể gây tử vong hoặc thương tích cho nhiều người.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe: Hệ thống chăm sóc sức khỏe có ảnh hưởng đáng kể đến trạng thái sức khỏe của người dân. Chất lượng điều trị và chăm sóc như thế nào, tình trạng thuốc men có đầy đủ hay không; khả năng tiếp cận với các dịch vụ của người dân (chi phí, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, thời gian chờ đợi…); thái độ của cán bộ y tế đối với người bệnh; trình độ chuyên môn của cán bộ y tế có đáp ứng được yêu cầu không; tính chất của hệ thống chăm sóc sức khỏe (chăm sóc sức khỏe đặc biệt chuyên sâu, y tế nhà nước hay y tế tư nhân). Tình trạng sức khỏe cá nhân và cộng đồng tốt hay xấu phụ thuộc nhiều bởi tình trạng xấu hay tốt của những yếu tố trên thuộc hệ thống chăm sóc sức khỏe. Người đăng: chiu
Time: 2021-08-03 22:57:13
LaGi.Wiki

TÀI TRỢ

» AccRoblox.Org - Mua bán acc & mọi thứ về roblox
» ApiDoiThe.Com - Đổi thẻ cào uy tín
» BotSMS.net - Auto Bank, Auto Momo