Rối loạn tâm lý là gì?

Hội chứng đề cập đến một loạt các tình trạng về sức khỏe tâm thần – bao gồm tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Một số ví dụ về căn bệnh này là trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và những hành vi kì lạ.

Một số người thường xuyên lo lắng hoặc căng thẳng, nhưng đó vẫn chưa hẳn là rối loạn tâm lý. Nó chỉ thực sự trở thành bệnh khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện liên tục và ảnh hưởng đến đời sống của bạn, chẳng hạn như ở trường học hoặc nơi làm việc và các mối quan hệ.

Trong hầu hết trường hợp, căn bệnh này cần được điều trị bằng thuốc kết hợp với những liệu pháp tâm lý đặc thù.

Có những dạng rối loạn tâm lý nào?

Chứng bệnh tâm lý này là tên gọi chung cho nhiều loại bệnh khác nhau về tâm lý. Không chỉ là tâm thần, trầm cảm hay tự kỉ - những căn bệnh phổ biến về tâm lý – mà chúng còn được chia ra một cách cụ thể hơn nữa.

- Rối loạn ám ảnh xã hội (Social Anxiety Disorder – SAD);

- Rối loạn lo âu toàn thể (Generalized Anxiety Disorder – GAD);

- Hội chứng trầm cảm (Major Depressive Disorder – MDD);

- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Disorder – OCD);

- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-Traumatic Stress Disorder – PTSD);

- Hội chứng Asperger (Asperger’s Syndrome);

- Rối loạn lo âu (Anxiety Disorder);

- Rối loạn tâm trạng (Mood Disorder);

- Rối loạn tâm thần (Psychotic Disorder);

- Rối loạn nhân cách (Personality Disorder) …

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tâm lý

Các nguyên nhân tổn thương thực thể

  • Chấn thương sọ não
  • Nhiễm trùng thần kinh (viêm não, giang mai thần kinh…)
  • Nhiễm độc thần kinh (nghiện rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp…)
  • Bệnh mạch máu não, các tổn thương khác (u não, teo não, xơ rải rác, tai biến mạch máu não…)
  • Bệnh nội tiết có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não

Các nguyên nhân tâm lý

  • Căng thẳng tâm lý, stress, các vấn đề gia đình và xã hội
  • Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên do giáo dục không đúng, môi trường xã hội không thuận lợi
  • Quá trình đô thị hóa nhanh, thảm họa,…

Các nguyên nhân cấu tạo thể chất nhân cách bất thường

  • Chậm phát triển tâm thần
  • Nhân cách bệnh

Các nguyên nhân chưa rõ ràng

Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch, cấu tạo thể chất…) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu.

Phân loại rối loạn tâm lsy theo lứa tuổi

Trẻ em

Nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn tâm lý ở trẻ thường là do áp lực học hành, bố mẹ quá bận rộn, thường cãi nhau và ly hôn. Nguy hiểm hơn, những vấn đề về tâm lý như thế này đều để lại những dấu ấn đậm, nhạt khác nhau trong tâm hồn trẻ thơ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của con.

Điều dưỡng viên Cao đẳng Điều dưỡng Sài Gòn cũng chia sẻ một số biểu hiện ở trẻ:

  • Thay đổi tâm trạng kéo dài ít nhất 2 tuần
  • Thay đổi hành vi vượt khỏi tầm kiểm soát
  • Khó tập trung
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Có thể bị nhức đầu hoặc đau bụng thường xuyên
  • Tự làm thương tổn đến bản thân như cắt tay hoặc tự làm bỏng.

Tuối dậy thì

Tuổi dậy thì là lứa tuổi chịu nhiều những biến đổi về hình thể, tâm sinh lý phức tạp nhất của đời người, do đó dễ bị khủng hoảng nhất so với các tuổi khác. Chính vì vậy mà các hội chứng tâm lý cũng dễ xảy ra ở lứa tuổi này.

Về phía các bậc cha mẹ, khi thấy con em mình có những biểu hiện tâm lý không bình thường thì không nên giấu giếm, mặc cảm về những rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần của con cái mà nên đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần càng sớm càng tốt.

Dấu hiệu:

  • Suy giảm khả năng học hành
  • Căng thẳng, dễ bực dọc, vui buồn thất thường, cáu gắt, hưng phấn thái quá hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm
  • Mất ngủ
  • Suy nghĩ lệch lạc từ nhẹ đến nặng
  • Tự nghĩ mình kém cỏi, tự ti và mất bình tĩnh. Tự ti dần dần khiến trẻ trở nên e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ, nghi ngờ khả năng của bản thân...

Phụ nữ mang thai và sau sinh

Trong thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hormon Estrogen, Progesteron, HCG và có sự gia tăng bài tiết 1 số hormon tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hormon buồng trứng. Việc tiết nội tiết tố nhiều hay ít quá có thể gây ra những rối loạn cảm xúc và tinh thần, có hại cho sức khỏe và sự thanh thản trí óc. Ví dụ việc tăng tiết quá độ nội tiết tố tuyến giáp thyroxin có thể làm một người bình thường căng thẳng và dễ bị cáu gắt…

Yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi như: mang thai ngoài ý muốn, mẹ sống độc thân, sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế thu nhập kém hoặc không có khi mang thai, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng, quan niệm sinh con trai, con gái.

Người già

Ở người cao tuổi, các bệnh lý tâm thần thường gặp là: Sa sút trí tuệ, mê sảng, các rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt và các rối loạn liên quan, rối loạn tâm căn và rối loạn nhân cách, lạm dụng chất và bệnh y sinh.

Biểu hiện khi mắc bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn tâm lý có thể khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng rối loạn, hoàn cảnh và các yếu tố khác. Chúng có một điểm chung là cùng ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bệnh.

Các ví dụ về biểu hiện của căn bệnh tâm lý này là:

- Cảm thấy buồn hoặc tụt tâm trạng;

- Khó tư duy và khả năng tập trung kém;

- Sợ hãi, lo lắng quá mức hoặc cảm giác tội lỗi theo hướng cực đoan;

- Thay đổi tâm trạng nhanh chóng, quá phấn kích hoặc quá buồn rầu;

- Không tiếp xúc với bạn bè và các hoạt động thường ngày;

- Mệt mỏi, ít năng lượng, gặp vấn đề về giấc ngủ;

- Tách rời khỏi thực tế (ảo tưởng), hoang tưởng hoặc ảo giác;

- Không có khả năng làm những công việc thường ngày;

- Gặp khó khăn trong việc giao tiếp hoặc thông hiểu vấn đề;

- Lạm dụng rượu hoặc ma túy;

- Thay đổi lớn trong thói quen ăn uống;

- Thay đổi xu hướng tình dục;

- Thường xuyên bùng nổ tức giận, thù địch hoặc bạo lực;

- Có suy nghĩ về vấn đề tự tử …

Đôi khi các triệu chứng của rối loạn sức khỏe tâm thần xuất hiện dưới dạng thể chất, ví dụ như đau bụng, đau lưng, đau đầu hoặc những đau nhức không lí do khác.

Phương pháp điều trị

Điều này phụ thuộc vào tình trạng bệnh mà bạn mắc phải, nếu bạn bị dạng nhẹ thì chỉ cần thuốc hoặc điều trị tâm lý một thời gian ngắn thì cơ thể sẽ phục hồi nhanh chóng.

Thuốc

Thuốc không có khả năng chữa khỏi bệnh tâm thần, nhưng chúng thường cải thiện đáng kể các triệu chứng. Một số loại thuốc thường được kê đơn để hỗ trợ điều trị bệnh là:

- Thuốc chống trầm cảm;

- Thuốc chống lo âu;

- Thuốc ổn định tâm trạng;

- Thuốc chống rối loạn thần kinh …

Tâm lí trị liệu

Tâm lí trị liệu còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, giúp bạn hiểu về tình trạng, tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của chính bản thân bạn. Từ đó, bạn có thể học được cách đối phó với chứng bệnh này.

Có nhiều loại trị liệu tâm lý, mỗi loại có cách tiếp cận riêng để cải thiện tinh thần của bạn. Tâm lý trị liệu thường hoàn thành trong vài tháng, vài năm hoặc tùy theo tình trạng bệnh.

Điều trị kích thích não

Chúng thường được dành riêng cho các tình huống mà thuốc và liệu pháp tâm lý không hoạt động. Điều trị kích thích não thường gặp bao gồm:

- Kích thích từ xuyên sọ;

- Kích thích não sâu;

- Kích thích dây thần kinh phế vị.

Phòng ngừa

Không một biện pháp nào có khả năng ngăn ngừa bệnh tâm thần 100%. Tuy nhiên, nếu bạn đang lo lắng bản thân sẽ gặp rối loạn về tâm lý, hãy làm theo những chỉ dẫn sau:

- Tập cách kiểm soát căng thẳng và cảm xúc.

- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

- Tâm sự với người bạn tin tưởng khi xuất hiện những dấu hiệu ban đầu.

- Khám sức khỏe tâm thần định kì.

- Chăm sóc bản thân thật tốt bằng cách ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh.

Người đăng: chiu
Time: 2021-09-23 16:20:25
LaGi.Wiki

TÀI TRỢ

» AccRoblox.Org - Mua bán acc & mọi thứ về roblox
» ApiDoiThe.Com - Đổi thẻ cào uy tín
» BotSMS.net - Auto Bank, Auto Momo