Loa là gì?

Loa là một trong những thiết bị trong dàn âm thanh, loa làm nhiệm vụ phát ra âm thanh, khâu cuối cùng trong việc truyền tín hiệu trong hệ thống.

Cấu tạo của loa

Có 6 thành phần chính tạo nên một chiếc loa.

- Driver (củ loa)

Đây là trái tim và cũng là linh hồn của bất kỳ hệ thống loa nào. Về cơ bản, driver của loa chuyển tín hiệu điện thành sóng âm thanh, thông qua chuyển động màng loa. Driver có thể sắp xếp thành 4 dạng khác nhau dựa trên vai trò nó đảm nhiệm trong toàn dải âm thanh.

Sự kết hợp các driver khác nhau quyết định thiết kế của loa. Loa hai đường tiếng (âm thanh 2-way) thường gồm một driver tweeter và một mid-range có chức năng kích bass, trong khi các loa ba đường tiếng (âm thanh 3-way) thường có đủ cả 3 driver. Thiết kế này áp dụng cho tất cả các loa, dù là một hay một nhóm các loa cùng dải kết hợp.

- Lỗ dội âm (Bass reflex)

Nhằm giải quyết vấn đề "thắt cổ chai" của các thùng loa và màng loa nhỏ, các nhà sản xuất thường cho thêm một lỗ dội âm để làm tăng thêm khả năng tái hiện tần số thấp. Lỗ này có thể được bố trí ở phía trước hoặc sau và được thiết kế dưới dạng lỗ đơn hay đôi.

- Thùng loa

Thùng loa hay hộp loa là nơi chứa toàn bộ các thành phần của một hệ thống loa. Cấu trúc của nó, mà cụ thể là khoảng không gian bên trong, có tầm quan trọng không nhỏ tới hoạt động của loa. Các loa đứng và book-shelf loại to, thường tái hiện chất âm tốt hơn với âm trầm sâu hơn nhờ vào khoảng không gian bên trong đủ lớn. Bên cạnh yếu tố kích thước, vật liệu chế tạo cũng như độ dày của thùng cũng tác động không nhỏ tới chất lượng âm thanh.

Hầu hết các mẫu cao cấp đều làm bằng gỗ với thành rất dày và đặc, sao cho giảm thiểu rung tốt nhất. Các loại gỗ ép MDF cũng hay lựa chọn cho loa tầm trung, trong khi gỗ ép thường hay được dùng cho các loa rẻ tiền hơn.

- Giắc nối dây

Thông thường giắc này không hiện diện trên các loa rẻ tiền vốn đã được gắn sẵn cáp ở bên trong. Tuy nhiên, để kết nối có chất lượng hơn, loa phải có giắc nối dây riêng rẽ để có thể nâng cấp lên dây loa đẳng cấp hơn.

Một trong các bước cải tiến của loa là các vị trí kết nối có khả năng nối dây thường hay giây có đầu riêng. Cầu kỳ hơn nữa là các kiểu đầu bi-wire hay thậm chí mà tri-wire. Các kiểu kết nối này vốn được dùng cho những ampli được thiết kế riêng biệt.

- Mạch phân tần

Về cơ bản, đây là một bộ phận tách các kênh thành các dải âm thanh khác nhau cho từng loa tương ứng, ví dụ, tần số thấp cho loa bass và cao cho tweeter.

Lý tưởng mà nói, các tín hiệu phải được chia tách sao cho dải âm không bị trống hay chồng lên nhau. Tuy nhiên, trong thực tế điều này khó xảy ra nên mới dẫn tới những trường hợp nhiều bass hoặc đột nhiên hổng một dải âm nào đó.

- Phụ kiện

Có rất nhiều phụ kiện phụ trợ cho hệ thống loa, từ cổ điển là các đinh hay chân đế, tới các thiết bị giá đỡ treo tường. Các phụ kiện phụ trợ này cũng cần phải được lựa chọn thận trọng, bởi lẽ, nếu không chọn đúng chất lượng toàn bộ hệ thống, âm thanh sẽ bị hỏng chỉ vì chân đế không đủ vững khiến cho loa bị rung trong khi đang hoạt động.

Cách vận hành của loa

Hầu hết các loại loa đều dùng một thiết kế đơn giản. Ở phía sau của loa, một nam châm vĩnh cửu (thường có dạng tròn) được gắn chặt trong một khung cố định. Khi điện được dẫn vào loa, các thay đổi trong điện trường làm cuộn đồng trong nam châm rung lên. Dính với cuộn đồng này là một màng chắn, thường làm bằng giấy hay plastic. Màng này rung tới và lui để làm di chuyển không khí trước loa và theo đó sóng âm được tạo ra. Khi các sóng âm này đến tai bạn, bạn sẽ nghe được âm thanh.

Khi dòng điện lưu động theo một hướng, màng chắn rung xa khỏi nam châm. Khi dòng điện lưu động hướng ngược lại, màng chắn rung ngược về. Sự lưu động của dòng điện được thay đổi tới lui để khớp với tần số của sóng âm mà loa phải tạo ra. Đối với tần số thấp (âm trầm), thay đổi lưu dộng có thể là vài chục lần mỗi giây. Đối với tần số cao (âm bổng), có thể thay đổi lưu động lên đến 20 nghìn lần hay hơn trong mỗi giây.

Kích thước của loa có ảnh hưởng đến tần số âm thanh mà nó có thể tái tạo tốt nhất. Loa cỡ lớn hơn có thể làm chuyển động nhiều không khí hơn, nhưng nó không thể di chuyển nhanh, khiến loại này dùng để tạo âm trầm. Loa nhỏ hơn không làm chuyển động nhiều không khí, nhưng nó có thể chuyển động nhanh hơn nhiều, nên được dùng để tạo âm bổng. Do đó, hầu hết thùng hay bộ loa hi-fi thường dùng nhiều loại loa.

Một số bộ loa chỉ có một loa duy nhất, như loa của điện thoại. Tuy nhiên, dù có những bộ loa một loa phát ra rất tốt hầu hết âm thanh đủ các tầm, các bộ loa thiết kế để nghe nhạc thường dùng 2 loa hay nhiều loa hơn để giúp tạo ra đầy đủ dải tần số khả thính.

Phân loại loa

Có nhiều cách phân loại loa khác nhau:

- Dựa vào củ loa (driver), có 4 loại loa

Loa tần số cao còn gọi là tweeter, loa HF (High-frequency) hay loa treble. Chúng biểu thị những âm cao, sắc của nhạc cụ và những hiệu ứng kiểu như kính vỡ. Loa thường có kích cỡ khoảng 1 inch và làm bằng các vật liệu như lụa, titanium hay các dạng sợi tổng hợp khác nhau.

Loa trung hay còn gọi là loa mid phụ trách dải âm thoại và các âm tai nghe dễ thấy nhất. Kích cỡ nằm trong khoảng giữa loa tweeter và woofer, tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Vật liệu làm màng loa tùy thuộc vào sở thích của nhà sản xuất và thường rất đa dạng, từ dạng giấy rẻ tiền cho đến dạng gỗ bu-lô đắt tiền.

Loa tần số thấp còn gọi là các loa siêu trầm (woofer) hoặc loa bass, phụ trách tần số thấp hơn tần số trên loa trung, tạo những tiếng trống rền trong album nhạc rock hay các âm trầm hùng trong các phim hành động. Khả năng tái hiện độ sâu của loa đôi khi phụ thuộc vào kích cỡ nón loa và lượng không khí mà nó tác động.

Loa toàn dải hay còn gọi là loa full-range, chủ yếu phụ trách phần âm cao và âm trung. Chúng thường thấy trong các loa con của những bộ rạp tại gia gọn nhẹ và đi kèm một loa siêu trầm để tái hiện dải âm thanh đầy đủ.

- Dựa vào amply, có 2 loại loa:

Loa Active

Loa Active là dòng loa được tích hợp sẵn công suất bên trong loa. Nó khác với dòng loa Passive cơ bản là chỉ cần cắm điện vào nguồn là có thể chơi âm thanh nhạc được.

Loa Active hay còn gọi là loa điện, loa tích hợp amply (công suất) bên trong loa, cách nhận biết và phân biệt đó có phải là loa active không ? là có nút mở nguồn sở hữu đèn báo hiệu và nút volume, ngoài ra 1 số hãng phân phối khác sẽ còn lắp thêm hệ thống 3 nút tone để chỉnh được một số tần số.

Lợi thế của dòng loa Active là nó cho phép bạn chơi nhạc nhanh mà không cần đến 1 dàn âm thanh đầy đủ. Nhờ đó bạn có nghe ngay 1 bản nhạc mà bạn yêu thích bất cứ lúc nào. Thật đơn giản, bạn chỉ cần cắm dây nguồn, khởi động loa và kết nối 2 đầu jack cho loa active và thiết bị nguồn phát.

Loa Passive

Loa Passive là dòng loa không tích hợp sẵn công suất bên trong loa. Nó khác với dòng loa Active là khi hoạt động, nó cần phải có amply rời để kéo và phát âm thanh khi chơi nhạc hay biểu diễn.

Loa Passive hay còn gọi là loa thường, loa không tích hợp amply (công suất) sẵn bên trong loa. Phía sau loa chỉ có cổng kết nối jack loa.

Là dòng loa chỉ được nhà sản xuất thiết kế với hệ thống loa Bass và loa Treble và không được khuếch đại, khi đó muốn loa phát ra tiếng người sử dụng phải dụng thêm hệ thống công suất rời hay còn gọi là Main hay Amply.

- Dựa vào công dụng, có các loại loa:

Loa thùng

Loa thùng là một thiết bị khuyếch đại âm thanh có hình thùng hay còn gọi hình hộp, đã không còn xa lạ với mọi người đặc biệt là những người có sở thích tìm hiểu các thiết bị âm thanh. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại loa thùng khác nhau nhưng chúng đều hoạt động dựa trên nguyên tắc là làm không khí chuyển động dựa trên điều khiển của tín hiệu điện để tạo ra những sóng âm lan truyền trong không khí,và chúng sẽ tác động tới tai của người nghe giúp người nghe thưởng thức được âm thanh.

Loa công suất

Loa công suất, dạng loa khá thông dụng và được người dùng âm thanh sử dụng khá nhiều trong những không gian lớn như tiệc cưới, tổ chức sự kiện, show nhạc, sân khấu, văn hóa văn nghệ,…

Loa cột

Loa cột có tính năng cơ bản như các dòng loa khác, vì nó có hình dáng rất cao và thon, để phân biệt các dòng loa khác. Nên người dùng âm thanh gọi là loa cột, loa cột thường được gắn ở các cột, trụ nhà của các tòa nhà lơn hay ở các nhà thờ...

Loa cột có tác dụng như những loại loa khác là khuếch đại âm thanh và truyền đạt âm thanh, bởi vì có chiều cao lớn hơn rất nhiều so với chiều ngang có hình dáng giống chiếc cột nên được người ta gọi là loa cột.

Loa phóng thanh

Loa phóng thanh được biết đến là một thiết bị khuếch đại âm thanh truyền thống, nó rất gần gũi với mọi người dân còn được gọi là loa nén, thường được các diễn giả sử dụng để truyền đạt các thông tin tới công chúng.

Loa treo tường

Loa treo tường, dòng loa khá quen với những công trình dự án âm thanh quán cà phê, âm thanh nhà thờ, âm thanh nhà chùa. Có thiết kế nhỏ, kiểu dáng hiện đại, góp phần truyền âm thanh rõ và thẩm mỹ cho công trình hiện tại.

Loa âm trần

Loa âm trần hay còn được gọi là loa gắn trần, ốp trần và được sử dụng gắn lên trần nhà cho chất lượng âm thanh ấm và cảm giác thoải mái thư giãn. Loa âm trần có cấu tạo hình tròn được lắp đặt trên trần thạch cao và có nhiều loại công suất khác nhau phục vụ cho từng không gian nghe nhạc gia đình, văn phòng, quán cafe…

Loa rời

Loa rời, thiết bị âm thanh quen thuộc đối với anh em  làm công việc lắp ráp loa. Với loa rời, bạn dễ dàng cho ra các sản phẩm loa thùng, loa sân khấu theo mẫu thiết kế riêng và đặc trưng của thương hiệu âm thanh riêng.

Loa line array

Loa line array trên lí thuyết là một mảng loa có kiểu giống nhau được lắp liên kết với nhau tạo thành một khối loa lớn, có công suất lớn, độ phủ của loa khá rộng, thích hợp cho không gian âm thanh trong nhà và ngoài trời.

Người đăng: dathbz
Time: 2020-07-14 15:48:42
LaGi.Wiki

TÀI TRỢ

» AccRoblox.Org - Mua bán acc & mọi thứ về roblox
» ApiDoiThe.Com - Đổi thẻ cào uy tín
» BotSMS.net - Auto Bank, Auto Momo