Lá trầu không là gì?

Lá trầu không rất quen thuộc với người dân Việt Nam, không chỉ ngoài đời sống mà còn đi vào trong thơ ca, âm nhạc, truyện cổ tích,... Rất nhiều người không biết rằng, ngoài tên gọi trầu không, loài cây này còn được gọi bằng các cái tên khác như trầu cay, trầu lương, thổ lâu đằng,... Cây trầu không thuộc họ hồ tiêu và có tên khoa học là Piper betle L, cây thân leo và có cành hình trụ, rễ cây bén ở các mấu, lá trầu không mọc so le, hình tim tròn đôi khi không cân xứng.

Cây trầu không ưa ẩm và ánh sáng nên phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm khoảng từ tháng 5 đến tháng 8. Lá trầu không thường được thu hoạch để ăn trầu, làm thuốc hoặc để cúng gia tiên trong các ngày lễ mùng một, ngày rằm,... hoặc các sự kiện quan trọng như cưới hỏi.

Trong 100g lá trầu không có thành phần như sau:

  • Năng lượng: 44 kcal.
  • Nước: 85.6g.
  • Protein: 3.1g.
  • Lipid:0.8g.
  • Muối khoáng: 2.3g.
  • Chất xơ: 2.3g.
  • Cacbohidrat:6.1g.
  • Canxi: 0.5g.
  • Sắt: 0.007g
  • Vitamin A: 2.5mg

Ngoài ra, lá trầu còn chứa một số dưỡng chất như vitamin nhóm B, axit ascorbic, caroten, tinh dầu,...

Phân bố

Trầu không là một trong những loài thực vật nhiệt đới quan trong ở khu vực châu Á. Nó được trồng rộng rãi ở các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á khác. Ở nước ta, cây được trồng rộng rãi khắp các địa phương Bắc, Trung, Nam.

Thu hái, chế biến, bảo quản

Lá trầu không được thu hái quanh năm. Lá có thể dùng tươi hay khô, có khi xay bột dùng dần.

Lưu ý bảo quản dược liệu nơi khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Tránh nơi ẩm mốc, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.

Tác dụng của Lá trầu không

Thành phần hóa học

Lá trầu có chứa 0,8 – 1,8% (có khi lên tới 2,4%) tinh dầu. Trong đó chủ yếu là hợp chất thuộc nhóm terpene (4- terpineol, γ-muurolene, δ-cadinene,(+)-taumuurolol, α-cadinol) và các hợp chất là dẫn xuất của phenol như phenol, 2-methoxy-3-(2-propenyl); acetyleugenol; 4-allyl-1,2-diacetoxybenzene. Các thành phần này chiếm tới 90% hàm lượng tinh dầu này

Tác dụng dược lý

Do hàm lượng những dẫn xuất phenol cao nên tinh dầu Lá trầu không có nhiệt độ sôi, tỷ trọng và chiết suất cao.

Các dẫn xuất phenol có mặt trong tinh dầu có những tác dụng sinh học tốt như tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống oxy hóa, độc tính tế bào…

Tinh dầu lá Trầu không biểu hiện hoạt tính kháng vi sinh vật tốt với khả năng kháng vi khuẩn Gram (+) như B.subtillis và các loại nấm gây hại như A.niger và F.oxysporum,… Đây là cơ sở giúp ứng dụng tinh dầu lá trầu không như một loại kháng sinh được chiết xuất từ thiên nhiên.

Công dụng của Lá trầu không theo Y học cổ truyền

Lá trầu không có vị cay nồng, mùi thơm gắt, tính ấm. Nó có tác dụng giúp khí huyết lưu thông, thường dùng để tiêu đờm, trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng.

Người ta có thể dùng Lá trầu để trị đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, sôi bụng.

Có người dùng Lá trầu để đánh gió trị cảm mạo.

Lá trầu còn dùng vò nát đắp quanh mụn nhọt, hoặc nấu nước tắm trị ghẻ ngứa, rôm sảy.

Ngậm nước lá trầu trong miệng để trị đau răng, viêm chân răng có mủ.

Nó còn được dùng để chữa sai khớp, bong gân, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh.

Cách sử dụng lá trầu không

Lá trầu không có thể dùng 8 – 10g/ 1 ngày. Có thể dùng ở dạng thuốc sắc, giã nát đắp ngoài hoặc ngâm lá với nước để rửa.

Một số bài thuốc từ Lá trầu không

Bài thuốc chữa đau mắt đỏ

Lá trầu không 3 cái, lá Dâu 10 cái. Hai thứ này vò nát, cho vào ca, đổ nước sôi rồi đưa mắt bị đau sát tới miệng ca để xông hơi nóng bốc lên trong 3 phút. Ngày làm như vậy 2 lần. Sau đó lấy nước này để rửa mặt.

Bài thuốc chữa nấm kẽ chân

Lá trầu không 8g, lá ráy 50g, Phèn chua 20g. Tất cả đem sắc lấy nước ngâm chân trong 15 phút.

Bài thuốc chữa đau họng

Lá trầu xay nhuyễn lấy nước, trộn thêm mật ong rồi ngậm thật lâu. Nếu uống được nước này thì càng tốt, sẽ giảm các kích thích gây ho.

Bài thuốc giảm đau lưng

Dùng lá trầu hơ nóng hoặc nước cốt lá trầu trộn với dầu dừa rồi đắp thắt lưng.

Bài thuốc trị cảm mạo

Vò nát lá trầu, bọc trong miếng vải, nhúng nước sôi, đánh gió ở hai bên sống lưng.

Một số lưu ý khi dùng Lá trầu không

Không nên dùng quá nhiều trầu một lần vì có thể làm khô môi, mất vị giác.

Bài viết trên đây mong rằng đã giúp người đọc có cái nhìn khái quát về đặc điểm và công dụng của Lá trầu không. Tuy rằng rất dễ sử dụng, nhưng người dùng không nên tự ý sử dụng một cách bừa bãi để tránh những tác dụng không mong muốn.

Người đăng: chiu
Time: 2022-01-27 17:10:47
LaGi.Wiki

TÀI TRỢ

» AccRoblox.Org - Mua bán acc & mọi thứ về roblox
» ApiDoiThe.Com - Đổi thẻ cào uy tín
» BotSMS.net - Auto Bank, Auto Momo